Đại gia tỷ USD mới xuất hiện, vào thương vụ mới 2,4 nghìn tỷ

Doanh nghiệp kín tiếng nhanh chóng lọt câu lạc bộ tỷ USD và mang lại giá trị lớn cho các cổ đông trong một thời gian ngắn. Thương vụ sắp tới có thể mang về 2,4 nghìn tỷ đồng, thay vì 10 triệu đồng như cách đây gần 2 năm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã trình Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước về Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Vinachem sẽ thoái vốn tại nhiều công ty hóa chất trong năm 2021, trong đó có Hóa chất Lâm Thao (LAS), Hóa chất Việt Trì (HVT), Hóa chất Đức Giang (DGC);…

Vinachem đang nắm giữ 15,14 triệu cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang. Với mức giá 160.000 đồng/cp như hiện tại, Vinachem có thể thu về hơn 2.400 tỷ đồng.

Hồi cuối 2019, Vinachem từng đưa hơn 11,45 triệu cổ phiếu DGC ra đấu giá với giá khởi điểm 49.100 đồng/cp nhưng chỉ bán được 200 cổ phần với tổng giá trị giao dịch chưa tới 10 triệu đồng.

Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu DGC tăng rất mạnh, từ mức 40.000 đồng/cp lên 160.000 đồng/cp như hiện tại. Với mức giá này, Hóa chất Đức Giang có vốn hóa đạt gần 25,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD) và là một trong 56 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Giá cổ phiếu tăng mạnh trong khoảng 2 năm qua và nhiều doanh nghiệp đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết đã giúp thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD.

hoa-chat-duc-giang-tai-tro-bong-chuyen-nu
Hóa chất Đức Giang tài trợ bòng chuyền nữ.

Thị trường ghi nhận các doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD như: Vietcombank, Vinhomes, Vingroup, Hòa Phát và nhiều doanh nghiệp 5-10 tỷ USD như: Vinamilk, GAS, ACV, Techcombank, GVR, Vietinbank, MBBank, Masan, BIDV, Novaland, Sabeco…

Theo Thông tư 180, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước 1/1/2016 mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCom trong vòng một năm.

Thông tư 180 ra đời đã kéo theo nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và giao dịch trên sàn UPCom như Vietnam Airlines, ACV, VEAM, Becamex (BCM), Việt Tiến (VGG), Vinatex (VGT), Tập đoàn cao su (GVR),…

Nhiều tập đoàn tư nhân cũng đưa thêm các doanh nghiệp lên sàn như: SCG, Masan Consumer (MCH), Masan Meat Life (MML)…

Mặc dù gặp khó khăn trong đại dịch nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Nhóm hóa chất hoạt động khá tốt. Vinachem ghi nhận lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt 312 tỷ đồng.

Hóa chất Đức Giang có phần hưởng lợi khi hiệu suất sản xuất của Trung Quốc trong mảng photpho đã giảm một nửa so với 2020. Giá nhiều hóa chất tăng mạnh trong vài tháng qua, qua đó mang đến kết quả kinh doanh tốt cho doanh nghiệp.

 

Trong nửa đầu năm 2021, DGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.988 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 625 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 57% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

bieu-do-bien-dong-chi-so-vn-index-13-10-2021
Biến động chỉ số VN-Index.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 13/10

Chốt phiên sáng 13/10, chỉ số VN-Index tăng 0,85 điểm lên 1.395,65 điểm. HNX-Index tăng 3,04 điểm lên 378,72 điểm. Upcom-Index giảm 0,41 điểm xuống 98,4 điểm. Thanh khoản đạt 12,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Trong nhóm VN-30, cổ phiếu FPT tăng khá mạnh thêm 1.700 đồng lên 100.700 đồng/cp. Thế Giới Di Động tiếp tục tăng thêm 1.400 đồng lên 133.5800 đồng/cp. Sabeco tăng 1.000 đồng lên 164.000 đồng/cp. Vingroup tăng 700 đồng lên 93.600 đồng/cp. Vietjet tăng 1.200 đồng lên 133.700 đồng/cp.

Hai ông lớn bất động sản Vinhomes và Novaland quay đầu giảm điểm. Cổ phiếu dầu khí GAS giảm 1.500 đồng xuống 110.500 đồng/cp.

Theo MBS, thị trường đã có phiên tăng thứ 7 liên tiếp dù đà tăng ở phiên hôm qua có phần chậm lại do nhóm VN30 đang retest vùng đỉnh tháng 8. Thanh khoản vẫn được duy trì trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn HSX là tín hiệu tích cực dù độ rộng thị trường ghi nhận thị trường tăng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.

Theo MBS, thị trường vẫn còn nhiều triển vọng để hướng tới đỉnh lịch sử trong tháng 10, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để gia tăng tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa, năng lượng, chuỗi cung ứng, xuất khẩu,…hoặc nhóm dịch vụ tài chính như chứng khoán, ngân hàng,…

Theo VDSC, sau khi có phiên tăng mạnh nhất, TTCK đã có ngày điều chỉnh nhẹ nhàng, dòng tiền đang tích cực chảy vào thị trường thông qua thanh khoản vẫn duy trì tín hiệu tốt. Xu hướng tích cực của thị trường vẫn chưa thay đổi nên nhà đầu tư vẫn an tâm nắm giữ những cổ phiếu đang trên xu hướng tốt, cũng như có những lựa chọn giải ngân mới nếu có tín hiệu lạc quan từ cổ phiếu trong nhóm theo dõi của mình.

Chốt phiên chiều 12/10, chỉ số VN-Index tăng 0,71 điểm lên 1.394,8 điểm. HNX-Index tăng 1,34 điểm lên 375,68 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 98,81 điểm. Thanh khoản đạt 26,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.  Riêng sàn HOSE đạt hơn 22,2 nghìn tỷ đồng.

(Theo Vietnamnet.vn)